Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua “cơn gió ngược” trước cơn bão thuế quan và rủi ro suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội rất lớn để nhà đầu tư tích lũy tài sản giá rẻ, chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai.
1. Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu
Chính sách thuế quan ngày càng “leo thang” của Tổng thống Trump đang khiến nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng, nguy cơ dẫn đến một cuộc “khủng hoảng” kinh tế toàn cầu. Các tổ chức tài chính lớn đều có góc nhìn tiêu cực hơn, khi xác suất xảy ra suy thoái kinh tế của Mỹ đã tăng chóng mặt trong thời gian qua (rủi ro suy thoái tăng từ 35% lên 45% theo Goldman Sach; và tăng từ 40% lên 60% theo JPMorgan).
Tác động của một cuộc suy thoái là cực kỳ sâu rộng và khó có thể đo lường mức độ ảnh hưởng trong ngắn hạn, từ đó kéo theo sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu (Dowjones -18%; Nasdaq -26%; Nikkei -25%; Hang Seng -21%... so với đầu 2025).
2. Việt Nam không nằm ngoài cơn bão
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở tương đối cao, với động lực tăng trưởng chính trong 2 thập kỷ gần nhất đến từ xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI (kim ngạch xuất khẩu 2024 đạt 405 tỷ USD, tương đương 82,5% GDP). Do đó, rủi ro suy thoái toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa được Chính phủ kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho GDP Việt Nam 2025. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường trong nước sẽ cần thêm thời gian để tạo đà, đi lên. Trên thực tế, GDP Q1 2025 tăng 6.93%, thấp hơn khá xa so với mục tiêu phấn đấu của Chính phủ 7.7% cho quý 1 và 8% cho cả năm 2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9.9%, thấp hơn mức 12% theo Nghị Quyết 25.
Ngoài ra, trong các chu kỳ kinh tế của Việt Nam, tích lũy tài sản là nền tảng để tạo động lực bứt tốc cho nền kinh tế. Lấy ví dụ giai đoạn 2014-2017, tích lũy tài sản tăng trưởng trên 9%, tạo tiền đề để GDP tăng trưởng bình quân 6.7%. Nhìn vào tổng đầu tư và tích lũy tài sản Q1 2025 chỉ tăng 7.24% trên mức nền thấp 2024, cho thấy nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự vững vàng để có thể nhanh chóng vượt qua thách thức lớn hiện tại mang tên "cơn bão suy thoái”.
3. VNIndex đã chiết khấu đủ hay chưa?
Sau 3 phiên bán tháo liên tục, VNIndex đã giảm gần 16% từ vùng đỉnh đầu năm về quanh vùng 1100x, kéo mặt bằng định giá của thị trường xuống mức tương đối thấp.
Về định giá P/B, định giá thị trường đang ở mức 1.45 lần, tương đương định giá giai đoạn Covid 2020 và khủng hoảng trái phiếu 2022. Đây có thể xem là một vùng định giá tương đối rẻ của thị trường trong ngắn hạn.
Nếu nhìn vào định giá P/E, định giá thị trường hiện ở mức 11.2 lần, ngang mức -1 lần độ lệch chuẩn. Tham chiếu những giai đoạn thị trường bị bán tháo hoảng loạn nhất và tạo đáy trung hạn (như Covid và khủng hoảng 2022), định giá P/E của VNIndex thường ở mức thấp hơn 10.x lần. Vùng định giá P/E hiện tại mặc dù thấp nhưng chưa thực sự là vùng rẻ so với quá khứ.
Như vậy, với góc nhìn ngắn hạn, thị trường hầu như đã phản ánh các tác động tiêu cực từ mức thuế 46% mà tổng thống Trump áp đặt lên Việt Nam, thế hiện qua việc định giá P/B đang ở vùng đáy lịch sử. Đây có thể xem là vùng giá mà nhà đầu tư có thể bắt đáy cho các nhịp hồi T+. Tuy nhiên, triển vọng trung và dài hạn của thị trường vẫn chưa rõ ràng, và VNIndex hoàn toàn có thể điều chỉnh sâu hơn nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kéo theo những tác động tiêu cực tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Nếu chiết khấu xuống mức P/E dưới 10.x, VNIndex sẽ cần điều chỉnh thêm 15-20% và có thể tạo đáy trung hạn quanh mức 950-1000 điểm.
4. Cơ hội kiếm tiền trong khủng hoảng
Mặc dù rủi ro thua lỗ ngắn hạn của thị trường là tương đối lớn, tâm lý bán tháo hoảng loạn của số đông lại là cơ hội cho những nhà đầu tư “cầm tiền” đạt được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Nhìn vào dữ liệu lịch sử, S&P 500 đã trải qua gần 20 cuộc khủng hoảng trong 1 thế kỷ vừa qua. Mức giảm trung bình của chỉ số qua các cuộc khủng hoảng là -32%. Tuy nhiên, thị trường chỉ mất tối đa từ 6 tháng - 1 năm để lấy lại tất cả những mất mát trước đó, và hồi phục mạnh lần lượt 41% và 55% trong 2 năm sau khủng hoảng.
Như vậy, triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán vẫn luôn tích cực trong trung và dài hạn. Bất kể kinh tế thế giới có suy thoái do chính sách thuế quan của tổng thống Trump hay không, thì khi nền kinh tế tạo đáy, chứng khoán tạo đáy, những ai tích lũy được nhiều tài sản giá rẻ vẫn sẽ là người chiến thắng cuối cùng trên thị trường.
5. Đầu tư cổ phiếu nào trong giai đoạn khủng hoảng
Sức chịu đựng và vị thế của mỗi nhà đầu tư là khác nhau, vì vậy không có một công thức chung nào mà chiến lược đầu tư sẽ rất khác biệt cho từng trường hợp cụ thể. Tuy vậy nhìn chung, với nhà đầu tư ngắn hạn, việc đưa tỷ trọng tài khoản về mức hợp lý (tránh bán tháo bằng mọi giá hay bắt dao rơi quá sớm) sẽ giúp hạn chế tâm lý FOMO theo thị trường, duy trì một nguồn vốn ổn định để có thể mua vào khi thị trường thực sự tạo đáy. Ngược lại, với nhà đầu tư tích sản, vùng giá càng rẻ càng là cơ hội tốt để tích lũy tài sản, và khi thị trường sợ hãi nhất lại chính là thời điểm thích hợp nhất để mua vào.
Thống kê thực tế các nhịp điều chỉnh lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu trụ VN30 luôn cho hiệu suất đầu tư tốt nhất, là nhóm cổ phiếu hồi phục, tạo đáy đầu tiên ở giai đoạn đầu khi thị trường tạo đáy. Đây cũng là điều khá hiển nhiên, khi dòng tiền từ tạo lập - market makers hay các quỹ đầu tư lớn thường chỉ lựa chọn những cổ phiếu cơ bản tốt, hưởng lợi chính sách vĩ mô, định giá rẻ để mua vào - mục tiêu tích lũy tài sản chất lượng ở mức giá cực kỳ rẻ. Một số cổ phiếu phục hồi mạnh trong các chu kỳ giảm trước bao gồm VIC, VHM, VCB, CTG, MBB, TCB, SSI…
Cuối cùng nhắc lại, khủng hoảng luôn là cơ hội để tích lũy tài sản giá rẻ, và mỗi cuộc khủng hoảng đi qua lại có một tầng lớp tài phiệt mới ra đời. Sau khi cơn bão đi qua thì trời quang mây tạnh, những nhà đầu tư ở lại cuối cùng với thị trường, vượt qua giai đoạn thử thách chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu lớn - tăng trưởng tài sản bền vững trong tương lai.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
KHỐI ĐẦU TƯ FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Nghiên cứu & Phân tích: Trần Khánh Linh
* Hotline: 0971 764 531 (SĐT/Zalo) - ID tư vấn VPS: 8043
* Group Zalo Tư Vấn Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: FinTop DATA | Dữ Liệu Chứng Khoán
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP, VPS.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!